Ảnh hưởng đến dân thường Chiến_tranh_thế_giới_thứ_hai

Chiến tranh thế giới thứ hai đem đến cho dân thường nhiều nỗi đau thương chưa từng thấy. Trong hơn 50 triệu người chết vì chiến tranh trên một nửa là thường dân, bị giết bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều người bị chết bởi bom đạn và nhiều hơn nữa vì việc thiếu lương thực và không có dịch vụ cần thiết cộng thêm việc phá hoại nhà cửa, cơ sở hạ tầng và các phương tiện công cộng trong chiến tranh. Nhiều người khác chết vì các cuộc thảm sát có mục tiêu là dân thường để khủng bố tinh thần dân chúng và tiêu diệt lực lượng lao động nhằm hủy diệt khả năng sản xuất của đối phương. Thêm vào đó, nhiều người đã bị hành hình vì lý do quốc tịch, dân tộctín ngưỡng.

Được bắt đầu bởi Đức để khủng bố và giảm tinh thần quần chúng trong các vùng thành thị để Đức có thể tiến tới nhanh hơn, chiến tranh chiến lược dùng sức mạnh trên không gian để đánh vào các thành phố địch. Các chiến dịch của Đức có hiệu quả hữu hạn vì mẫu các máy bay ném bom không phù hợp vào việc này và lực lượng không quân còn nhỏ. Sự tàn sát khủng khiếp nhất mà Đức quốc xã thực hiện là diệt chủng một cách có hệ thống người Do Thái tại Đức và nhiều quốc gia Châu Âu khác.

Gần giữa chiến tranh (1943), quân Đồng Minh bắt đầu dùng chiến thuật ném bom hàng loạt vào tận nước Đức. Để tránh sự chồng chéo nguy hiểm, có sự phân công: máy bay Anh thả bom ban đêm còn máy bay Mỹ đánh phá ban ngày. Với nhiều máy bay oanh tạc có tải trọng lớn và đủ khả năng bay đường dài, các trận ném bom này đủ để phá hủy nhiều thành phố Đức. Trong thời gian đầu, khi không quân và phòng không Đức còn mạnh, các cuộc ném bom chỉ thu được ít kết quả. Tuy nhiên tới đầu năm 1945, khi quân đội Đức đã kiệt sức, không quân Anh-Mỹ mặc sức ném bom, họ có thể biến các khu vực đô thị thành một quầng lửa, phá hủy các thành phố. Số thường dân bị chết khá cao, tại Đức có khoảng 300.000 người. Riêng trong một trận oanh tạc thành phố Dresden, có vài chục ngàn dân thường Đức thiệt mạng. Việc các chiến dịch này có giúp đem đến chiến thắng mau hơn vẫn còn chưa rõ.

Dân thường tại Nhật Bản còn bị thiệt hại nặng hơn nữa. Đức có các cơ sở công nghiệp xa khu dân cư nên các cuộc ném bom vào các cơ sở công nghiệp ít gây thiệt hại cho thười dân. Trái lại, các nhà máy công nghiệp của Nhật tập trung ở các thành phố đông dân, dân chúng ở trong các ngôi nhà được xây dựng bằng gỗ (tại Đức nhà cửa phần lớn được xây bằng gạch), dễ bị đốt cháy và đám cháy lan khắp thành phố trong trận ném bom. Thêm vào đó, Mỹ cũng sử dụng các máy bay thả bom mới hơn và lớn hơn tại Đức.

Nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima

Cú đánh mạnh nhất là hai cuộc tấn công bằng bom nguyên tử vào hai thành phố HiroshimaNagasaki. Tổng số người Nhật bị thiệt mạng lên đến 300.000 người lúc ban đầu, và thêm nhiều người chết vì di chứng nhiễm phóng xạ trong nhiều năm kế tiếp. Có sự tranh cãi về việc có cần thiết phải thả bom nguyên tử trên đất Nhật hay không. Phía Mỹ vẫn cho rằng việc này đã dẫn đến việc Nhật đầu hàng một cách mau chóng, tránh thương vong cao cho quân Mỹ nếu đánh vào Nhật bằng chiến tranh quy ước (như kinh nghiệm đánh lên hai đảo Iwo JimaOkinawa đã cho thấy). Ngược lại, những người phản đối hành động này cho rằng hành động ném bom của Mỹ đã vi phạm nguyên tắc tối thiểu là tránh đánh vào thường dân, bởi ở HiroshimaNagasaki hầu hết chỉ là dân thường và chỉ có ít cơ sở quân sự tại đây. Những người này đặt ra câu hỏi: Nếu việc sử dụng bom nguyên tử là cần thiết, tại sao Mỹ lại ném vào thành phố đông dân cư mà không ném vào các căn cứ quân sự lớn của Nhật như quân cảng Yokosuka hay Sasebo? Những người phản đối vụ ném bom tin rằng Mỹ đã hành động theo lối thực dụng: họ muốn các cơ sở quân sự của Nhật còn nguyên vẹn để có thể thu được chiến lợi phẩm là các tài liệu nghiên cứu, vũ khí kiểu mới hoặc các nhà khoa học giỏi của Nhật; việc ném bom thành phố thường cũng đủ gây chấn động mà lại đảm bảo không làm Mỹ mất đi chiến lợi phẩm của mình.

Đức quốc xã

Bài chi tiết: Holocaust

Chiến dịch tàn sát tù binh chiến tranh và thường dân điển hình nhất và có tổ chức nhất là các chương trình được vạch ra và thực hiện bởi Đức quốc xã. Ban đầu chỉ nhắm mục tiêu vào người Do Thái tại nước này, cộng thêm một số nhóm người ít người không ưa thích. Chế độ Đức quốc xã bắt đầu thành lập trại để cách ly các nhóm người này, sau đó dùng lao động cưỡng bách và cuối cùng tiêu diệt hàng loạt. Các nhóm người Do Thái, người đồng tính luyến ái và người có khuyết tật là các mục tiêu đầu tiên, nhưng những người đối lập chính trị như những người theo chủ nghĩa xã hội và các nhân vật tôn giáo (kể cả tín đồ Cơ đốc giáo) lên tiếng cũng bị bắt giữ.

Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Tội ác chiến tranh của chế độ Quốc xã Đức.

Một khi chiến tranh bùng nổ và phần đất Đức xâm chiếm tăng lên, các lãnh thổ mới chiếm này cũng bị tính trong nỗ lực đó. Riêng Ba Lan đã bị ảnh hưởng rất nhiều, với gần toàn bộ dân số Do Thái tại nước này và một số đông người Cơ đốc giáo đã bị tiêu diệt. Hàng chục triệu Người Nga và các người Slav bị chinh phục khác cũng bị giam cầm tại hơn 100 trại tập trung của Đức trên khắp các vùnh lãnh thổ châu Âu bị nước Đức Quốc xã chiếm đóng. Các trại lớn nhất là Dachau, Buchenwald, Ravensbrück, Ausschwitz, Majdanek, Bergen Belsen, Gusen... Số người được giải phóng khỏi các trại này sau chiến tranh chỉ còn vài trăm nghìn.

Tổng số người đã bị giết trong các trại tập trung, trong các chương trình tiêu diệt và trong khi bị chính quyền Đức ngược đãi có lẽ không bao giờ có thể biết chính xác được. Có một số ước đoán cao hơn 10 triệu người, trong đó 5 tới 6 triệu là người Do Thái bị giết trong các chương trình tiêu diệt có mục đích.

Liên Xô

Theo một số tài liệu phương Tây, kể từ khi tiến vào nước Đức (1944-1945), một bộ phận binh sĩ Hồng quân đã có những hành động trả thù nhằm vào tù binh hoặc dân thường Đức để trả đũa những tàn phá mà quân Đức gây ra cho đất nước mình. Ngoài việc cướp nhà dân và cửa hiệu[114], phương Tây cho rằng Hồng quân Liên Xô đã hãm hiếp hàng chục ngàn phụ nữ và trẻ em người Đức, từ 8 đến 80 tuổi[115][116][117][118]. Theo Franz Wilhelm Seidler, riêng ở Berlin là 20 ngàn tới 100 ngàn, các tỉnh còn lại từ 100 ngàn tới nửa triệu[119][120]. Rất nhiều nạn nhân trong số này bị từ 10 đến 12 lính hãm hiếp tập thể, và đa số bị hãm hiếp nhiều lần[121][122]. Theo Anthony Beevor thì binh lính Hồng quân còn cưỡng hiếp cả những nữ tù binh Liên Xô được giải thoát khỏi các trại giam. Ông cũng cáo buộc chính quyền Liên Xô dù đã nhận được thông tin về những vụ hãm hiếp của Hồng quân nhưng lại cố tình làm ngơ và không có động thái gì để ngăn chặn.[123]. Norman Naimark cho rằng động cơ đằng sau những vụ hãm hiếp của binh lính Liên Xô có thể xuất phát từ "cảm giác tự ti của người Nga" khi chứng kiến mức sống cao hơn của người Đức so với họ, ngay cả trong tình trạng đổ nát [124]. Ông cho rằng ảnh hưởng của rượu cồn và tâm lí muốn trả thù cũng là lí do khiến cho binh lính Hồng quân có những hành vi tàn bạo như vậy đối với dân thường Đức [124]

Tuy nhiên, giới sử học vẫn tranh cãi về tính xác thực và quy mô của những vụ hiếp dâm. Các nhà sử học Nga đã phủ nhận những cáo buộc về hiếp dâm hàng loạt, họ đưa ra bằng chứng là một lệnh từ Bộ chỉ huy tối cao ban hành ngày 19 tháng 1 năm 1945, trong đó ra lệnh cấm binh sĩ ngược đãi thường dân Đức. Một lệnh của Hội đồng quân sự của Phương diện quân Byelorussia số một, có chữ ký của Nguyên soái Rokossovsky, đã ra lệnh xử bắn những binh lính phạm tội trộm cướp và hiếp dâm ngay tại hiện trường của vụ án. Một lệnh ban hành bởi Stavka (Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Hồng quân) vào ngày 20 tháng 4 năm 1945 phổ biến tới binh sĩ rằng cần phải duy trì quan hệ tốt với người dân Đức để giảm kháng cự và để chiến sự kết thúc nhanh hơn.[125]

Trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô, các thành viên của SED đã báo cáo cho Stalin biết hành động cướp bóc và hãm hiếp của binh lính Liên Xô có thể dẫn đến một phản ứng tiêu cực của dân Đức đối với Liên Xô và hướng tới tương lai của chủ nghĩa xã hội ở Đông Đức. Stalin đã phản ứng một cách giận dữ: "Tôi sẽ không tha thứ bất cứ ai kéo danh dự của Hồng quân qua vũng bùn."[126][127]

Các nhà lãnh đạo Liên Xô rất bất bình với truyền thông của các nước phương Tây, khi họ vừa mới là đồng minh của Liên Xô trên mặt trận chống phát xít thì nay lại quay sang công kích Liên Xô. Bộ trưởng dân ủy ngoại giao Liên Xô V. M. Molotov đã gọi những cáo buộc của Phương Tây là một "chiến dịch hèn hạ" nhằm phá hoại uy tín của Hồng quân và trút lên đầu những người lính Hồng quân tất cả những gì xảy ra do sự hỗn loạn trước đó tại những vùng do Liên Xô chiếm đóng. Ông nói: "Liên Xô và những bạn bè của chúng tôi trên thế giới đã có những thông tin cần thiết để chống lại chiến dịch tuyên truyền này".[128]

Tướng Gareyev, chủ tịch của Học viện Khoa học Quân sự Nga, nhận xét[129]:

Tư lệnh tối cao Stalin đã ký một quyết định ngày 19 tháng 1 năm 1945, theo đó binh sĩ bị cấm tất cả các hành vi bạo lực chống lại dân thường Đức. Tất nhiên, sự trả thù, bao gồm cả bạo lực tình dục, đã xảy ra. Một số binh sĩ chỉ đơn giản là không thể kiềm chế tức giận sau những gì Đức quốc xã đã làm trên đất nước chúng tôi. Nhưng các trường hợp này đã bị trừng phạt nghiêm khắc. Và việc trả thù đã không trở nên phổ biến. Bởi vì ngay khi chúng tôi chiếm đóng các thành phố, kỷ luật đã được thắt chặt. Chúng tôi cung cấp cho người dân Đức thực phẩm, chăm sóc y tế, tuần tra an ninh. Cá nhân tôi đã tham gia giải phóng Đông Đức. Tôi cam đoan, việc lạm dụng tình dục thậm chí không hề được nghe thấy.

Theo Oleg Rzheshevsky người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học Nga, mặc dù có nhiều trường hợp đã xảy ra những hành vi thái quá thì "đa số binh sĩ và quan chức của Liên Xô cũng như quân Đồng minh đã đối xử với người dân địa phương một cách nhân đạo" [130]. Ông cũng cho rằng những tội ác như hành động tấn công tình dục là một phần không thể tránh khỏi của chiến tranh [131].

Một phụ nữ Berlin, Elizabeth Shmeer, cho biết[132]:

Đức quốc xã nói rằng nếu người Nga đến đây, họ sẽ tàn phá và hãm hiếp khủng khiếp. Nhưng thực tế sau đó rất khác: dù là những người bại trận, quân đội Đức đã gây ra rất nhiều đau khổ cho nước Nga, nhưng những người chiến thắng đã cho chúng tôi thực phẩm còn nhiều hơn những gì chính quyền cũ phân phát. Đối với chúng tôi điều đó rất khó hiểu. Một cách cư xử nhân đạo như vậy dường như chỉ người Nga làm được.

Mỹ

Nhiều trận ném bom rải thảm của không quân Mỹ đánh thẳng vào các thành phố đông dân cư đã khiến cho hàng trăm nghìn thường dân Đức và Nhật bị thiệt mạng. Nhiều thành phố đông dân ở Đức, Nhật bị máy bay ném bom của Mỹ phá hủy gần như hoàn toàn. Riêng trong một trận oanh tạc thành phố Dresden, có tới vài chục ngàn dân thường Đức thiệt mạng. Các vụ ném bom Tokyo cũng khiến ít nhất 100.000 thường dân Nhật Bản thiệt mạng.

Đặc biệt, Mỹ đã để lại một dấu ấn kinh hoàng cho cả thế giới cho tới ngày hôm nay. Đó là vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki lúc chiến tranh gần kết thúc. Theo lệnh của Tổng thống Harry S Truman, ngày 6 tháng 8 năm 1945, quả bom nguyên tử thứ nhất mang tên "Little Boy" đã được thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Sau đó 3 hôm, ngày 9 tháng 8 năm 1945, quả bom thứ hai mang tên "Fat Man" đã phát nổ trên bầu trời thành phố Nagasaki.

Các số liệu khác nhau bởi được thống kê vào các thời điểm khác nhau. Rất nhiều nạn nhân chết sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm bởi hậu quả của phóng xạ. Theo ước tính, 140.000 người dân Hiroshima đã chết bởi vụ nổ cũng như bởi hậu quả của nó. Số người thiệt mạng ở Nagasaki là 74.000. Ở cả hai thành phố, phần lớn người chết là thường dân.

Các công dân của các nước Đồng Minh cũng phải chịu đau khổ trong các trường hợp họ là con cháu của những người đến từ các nước phe Trục. Điển hình là việc 120.000 người Mỹ gốc Nhật đã bị chính phủ Mỹ ra lệnh niêm phong tài sản và bị giam giữ ở các trại tập trung giữa sa mạc trong thời kỳ chiến tranh (từ 1942 tới 1945), với lý do để đề phòng nguy cơ gián điệp.

Theo J. Robert Lilly thì khi tiến quân vào Đức, binh lính Mỹ cũng đã nhiều lần hãm hiếp những người phụ nữ địa phương. Ông ước tính số vụ hãm hiếp của binh lính Mỹ tại Đức là 11.000 vụ [133]. Carol Huntington thì lại cho rằng đa số những vụ tấn công tình dục của lính Mỹ đối với phụ nữ Đức có vẻ giống hành vi mua dâm hơn là cưỡng hiếp, ông cũng ghi nhận nhiều trường hợp những phụ nữ Đức quan hệ tình dục với người lính Mỹ để được họ phân phát cho đồ ăn hoặc tiền mặt.

Anh

Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã bị thất bại nặng nề trong cuộc chiến với quân đội Nhật Bản tại Trận Singapore năm 1942, quân Nhật cũng đang tiến hành xâm lược Miến Điện thuộc Anh trong năm đó. Giới chức Anh sợ rằng một cuộc xâm lược Ấn Độ thuộc Anh tiếp theo của Nhật Bản có thể thực hiện bằng cách thích hợp thông qua lối Bengal (xem British Raj), và các biện pháp khẩn cấp đã được áp dụng để tích trữ lương thực cho lính Anh, bao gồm cả việc giành lấy lương thực của nhân dân Ấn Độ. Hậu quả là Nạn đói Bengal năm 1943 thảm khốc năm 1943 khiến 5 triệu người Ấn Độ thiệt mạng.

Dấu ấn kinh hoàng về nạn đói này cũng khiến tinh thần phản kháng của người dân Ấn Độ chống sự cai trị của thực dân Anh ngày càng dâng cao, góp phần buộc Anh phải trao trả độc lập cho Ấn Độ vào năm 1947.

Trung Quốc

Ví dụ về các tội ác chiến tranh của các lực lượng Trung Quốc bao gồm:

  • Vào năm 1937 gần Thượng Hải, vụ giết hại, tra tấn và tấn công tù binh Nhật Bản và các thường dân Trung Quốc bị cáo buộc hợp tác với Nhật, được ghi lại trong tấm ảnh được chụp bởi doanh nhân Thụy Sĩ Tom Simmen.[134] (Năm 1996, con trai của Simmen phát hiện hình ảnh, hiển thị những người lính Trung Hoa Quốc Dân Đảng đã hành quyết dân chúng và binh lính Nhật bằng cách chém đầu và xử bắn, cũng như tra tấn công khai)
  • Cuộc nổi loạn Tungchow tháng 8 năm 1937, lính Trung Quốc tuyển mộ bởi chính Nhật Bản đã nổi loạn và chuyển vào bên trong Tongzhou, Bắc Kinh, trước khi tấn công thường dân Nhật Bản và giết chết 280 người.
  • Quân Quốc Dân đảng ở tỉnh Hồ Bắc, vào tháng 5 năm 1943, ra lệnh cho toàn bộ thị trấn chuyển đi và sau đó "cướp bóc" của cải còn lại, bất kỳ dân thường đã từ chối hoặc không chuyển đi, đều bị sát hại.

Pháp

Đội quân người Ma-rốc thuộc Quân đoàn viễn chinh của Pháp, còn được gọi là Goumiers, đã tiến hành một loạt các hành vi tàn bạo đối với dân thường ở Ý trong và sau trận đánh Monte Cassino [135] cũng như ở Đức [136] Theo một số nguồn tin của Ý, hơn 12.000 thường dân, trong đó có nhiều người già và trẻ em, đã bị các Goumiers bắt cóc, cưỡng hiếp hoặc giết chết [137].

Nhật

Trong khi Holocaust do Đức gây ra rất có tổ chức và được nhiều người biết đến, số người bị giết có thể sánh được với số thường dân bị lực lượng Nhật tàn sát tại Trung Quốc. Tương tự như cách nhìn của Đức đối với các dân tộc sống ở vùng Đông Âu, người Nhật xem người Trung Quốc và Đông Nam Á là "mọi rợ" và giới lãnh đạo chẳng những xem các tội ác chiến tranh là lẽ thường mà còn khuyến khích việc đó. Một trong những tội ác tàn bạo nhất của quân Nhật trong cuộc chiến với Trung Quốc là vụ Thảm sát Nam Kinh vào năm 1937 trong đó có khoảng 50.000- 300.000 thường dân Trung Quốc đã bị hãm hiếp và giết hại.

Các ước tính số người bị chết do các hành vi này còn rất thiếu chính xác, nhưng có thể cao hơn 10 triệu, cộng thêm một số lượng lớn phụ nữ bị hãm hiếp có thể nhiều hơn các thống kê hiện tại. Một số khu vực dưới sự kiểm soát của Nhật bị nạn đói thảm khốc do quân Nhật cướp lương thực của người bản địa để chuyển về Nhật (do nước Nhật vào cuối chiến tranh đã lâm vào tình trạng thiếu lương thực), như Nạn đói năm Ất Dậu 1945 tại miền Bắc Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_thế_giới_thứ_hai http://www.wwii.ca/ http://www.e-lir.ch/e-LIR___Lexicon.1129.450.0.htm... http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F008927.php http://www.amazon.com/Struggle-Europe-Turbulent-Co... //www.amazon.com/dp/B00005W210 http://artukraine.com/old/famineart/SovietCrimes.p... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/648813 http://www.britannica.com/eb/article-5721 http://www.cassino2000.com/cdsc/studi/archivio/n07... http://www.cnn.com/WORLD/9609/23/rare.photos/index...